Cộng sự của Youtube: Công việc hái ra tiền

JVevermind, Huyme Production, Toàn Shinoda, Duhocsinhmy là những Vloger nổi tiếng ở Việt Nam. Mỗi đoạn video của họ khi đưa lên YouTube thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Danh tiếng và những phút giây thư giãn đã mang lại cho họ cơ hội kinh doanh nhờ việc trở thành “cộng sự” nội dung cho YouTube.

Làm gì trên “mảnh đất hái ra tiền” – YouTube?
“Cộng sự của YouTube” (YouTube Partner) là chương trình được thực hiện từ năm 2009, khi mạng xã hội chia sẻ video số 1 thế giới này quyết định trả tiền cho những ai muốn phát triển sự nghiệp trên YouTube. Dựa trên số lượt xem và số lượng người theo dõi kênh cá nhân, những “cộng sự” làm clip trên khắp thế giới sẽ được YouTube chia lợi nhuận tương xứng từ doanh thu quảng cáo.


Những clip bạn làm “chỉ cho vui” hoàn toàn có thể
đem đến cho bạn một công việc
Nhiều người thường nghĩ, đôi khi, làm một cái clip chơi đàn cho vui hay hứng chí quay clip “con mèo nhà mình không giống ai” rồi chia sẻ lên mạng. Nhưng nếu bỗng dưng những đoạn clip này được yêu thích và chia sẻ khắp nơi ngoài dự đoán, bạn hoàn toàn có thể lập kế hoạch có một công việc và lên YouTube… kiếm tiền. YouTube thực sự là “mảnh đất hái ra tiền” cho nhiều người trên thế giới, thậm chí, trong bản lý lịch của mình, họ tự hào ghi nghề nghiệp là “cộng sự của YouTube”.
Có một số tiêu chuẩn và yêu cầu cơ bản để trở thành cộng sự của YouTube như là clip phải do chính bạn tạo ra, bạn thường xuyên thực hiện clip và đưa lên YouTube với nội dung thú vị, nhận được số lượng người xem, người đăng ký theo dõi nhất định, có tài khoản ngân hàng để nhận tiền. Trên hết, những gì bạn làm với âm nhạc và hình ảnh không được vi phạm bản quyền. Nếu đọc những yêu cầu trên, bạn cũng có thể hiểu tại sao một Vlogger nổi tiếng như JVevermind dù là du học sinh, bận học mà vẫn chăm chỉ làm clip đến vậy.
Vlogger cũng là một cách được nhiều bạn trẻ lựa chọn
để tiếp cận công việc “Cộng sự Youtube”
Có không ít người đáp ứng cả bốn yêu cầu trên, tuy nhiên, không phải tất cả họ đều trở thành “cộng sự”. Công đoạn “xin việc” cũng khá cầu kỳ, bạn phải nộp đơn đăng ký, bộ phận tuyển chọn của YouTube xét duyệt với khá nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn. Tùy vào số đơn đăng ký được gửi đến, bạn thường phải chờ vài ngày, thậm chí là vài tuần mới nhận được thông báo “trượt” hay “đỗ”. Dù tất cả quá trình xin việc đều được thực hiện trên mạng nhưng nó cũng … thăng trầm, kịch tính và hồi hộp y như lúc bạn đi xin việc vậy.
Cộng sự YouTube kiếm được bao nhiêu?



Câu hỏi “Cộng sự của YouTube kiếm được bao nhiêu tiền?” vẫn luôn là bí ẩn. Việc giữ bí mật về thu nhập là một trong những điều kiện mà YouTube đưa ra khi ký kết hợp đồng với các cộng sự của mình. Tất nhiên, càng bị giấu thì lại càng gây tò mò. Bạn có thể tưởng tượng như thế này, video âm nhạc Gangnam Style của Psy có hơn 1,3 tỉ lượt xem trên YouTube, theo nhiều nguồn tin cậy thì Psy ngoài việc bán được đĩa nhạc, đóng quảng cáo, đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới còn nghiễm nhiên bỏ túi 2 triệu đôla từ YouTube (doanh thu từ quảng cáo và bản quyền âm nhạc).
Sở hữu hơn 1,3 tỉ lượt xem cho MV Gangnam Style,
Psy nghiễm nhiên bỏ túi 2 triệu đôla từ YouTube
Tuy nhiên, không phải ai cũng là Psy, YouTube đưa ra những thỏa thuận riêng về thu nhập cũng như cam kết công việc với từng đối tác. Bạn thỉnh thoảng mới có một clip khác với việc bạn hằng ngày đưa clip lên mạng, bạn đầu tư công phu cho clip khác với việc bạn chỉ nói trước camera. Tất nhiên, mọi thứ đều tùy thuộc vào độ thu hút người xem của bạn rồi. Một khi đã có được công việc này, bạn phải thực hiện đúng như hợp đồng nếu không cũng bị trừ lương, phạt tiền như thường.
Số tiền từ việc làm cộng sự của YouTube có thể chỉ là chút tiền tiêu vặt nhưng bạn hoàn toàn lo được chuyện ăn ở và học hành nếu suy nghĩ nghiêm túc. Bạn có thể trở nên nổi tiếng song song với việc kiếm được bộn tiền.
Trở thành một cộng sự của YouTube



Nếu bạn đang nung nấu ý định trở thành một cộng sự đắc lực và mơ đến một buổi chiều đang đếm tiền thì đây là thực tế: Không dễ để moi được tiền từ YouTube đâu nhé! Một cộng sự của YouTube có thể kiểm được khoảng 10.000 đôla/năm là chuyện thường nhưng người thường làm sao để có 10.000 lượt xem là cả vấn đề đau đầu.
Đăng ký tài khoản trên YouTube, học cách dựng một số video clip, đưa clip lên mạng, chia sẻ, quản lý clip của mình chỉ là những bước căn bản đầu tiên. Trước khi đăng ký trở thành cộng sự của YouTube hãy tự hỏi liệu bạn có tài năng, khả năng gì muốn cho cả thế giới xem? Ý tưởng thực hiện và quay lại thế nào? Nếu có khả năng diễn thuyết, sáng tác, đàn hát hay làm bất cứ trò gì đó hay ho và sáng tạo, khơi gợi sự thích thú của người xem, có lẽ là bạn đã sẵn sàng rồi đấy!
Tất nhiên, ước mơ trở thành một “cộng sự”
để moi được tiền từ YouTube là không hề dễ dàng!
Hãy nghĩ đến việc làm clip dưới dạng “song ngữ” hoặc cần có phụ đề tiếng Anh. Không chỉ là “nhà tuyển dụng” từ YouTube có thể hiểu nội dung clip khi vào xem, bạn còn tiếp cận tới cả cộng đồng YouTube trên toàn thế giới. Tất nhiên, trong trường hợp bạn sở hữu một trong những video đang thu hút sự chú ý trên mạng, không vi phạm các luật lệ, YouTube sẽ gửi cho bạn một e-mail hỏi rằng liệu bạn có muốn trở thành một “cộng sự” hay không? Nếu bạn đồng ý, hệ thống quảng cáo sẽ chia sẻ một nửa lợi nhuận cho bạn.
Năm 2012, Natalie Trần, “nữ hoàng YouTube” gốc Việt được sánh vai cùng những minh tinh như  Scarlet Johansson, Megan Fox trong Top 100 gương mặt đẹp nhất thế giới. Giới truyền thông bỗng giật mình khi biết Natalie kiếm được cả trăm nghìn đôla mỗi năm từ những clip trên YouTube. Giờ bạn đã biết “bí kíp” giúp Natalie kiếm được nó như thế nào rồi đấy!
Nếu muốn trở thành cộng sự?
– “Chính chủ hoá” các đoạn clip của bạn. Tránh sử dụng những tác phẩm đã có tác quyền.
– Hãy đầu tư vào nội dung, đừng nghĩ đến việc bắt chước.
– Quản lý tốt kênh YouTube của mình, duy trì số lượt xem cũng như hãy kêu gọi mọi người để bạn có lượng người theo dõi nhất định nhé.
 – Công việc bây giờ là tham gia chương trình cộng tác với YouTube tại đây: www.youtube.com/yt/partners/
Michelle Phan, “Nữ hoàng trang điểm” của Youtube: một ví dụ điển hình
cho việc làm giàu bằng Youtube
Thu nhập “rủng rẻng” của cộng sự YouTube (theo điều tra của TubeMogul):
 – Shane Dawson với show hài nổi tiếng bậc nhất YouTube: 315.000 đôla/năm.
– Show hài về quả cam phiền toái The annoying orange: 288.000 đôla/năm.
– Anh chàng hài hước Fred Show: 148.000 đôla/năm.
– Natalie Tran, “Nữ hoàng YouTube của Úc”, cô gái Úc gốc Việt: 200.000 đôla/năm.
– Michelle Phan, “Nữ hoàng trang điểm”, người Mỹ gốc Việt: 130.000 đôla/năm.
(svvn)