BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT
Trả bài đầu giờ là việc thầy cô bộ môn gọi từng bạn lên trước lớp để kiểm tra bài cũ. Đa số học sinh khi được hỏi đều vô cùng sợ hình thức kiểm tra bài này.
Thậm chí theo bạn M.Hằng (Lớp 11, THPT Đống Đa, Hà Nội): “Mỗi lần cô giáo mở danh sách lớp ra là một lần mình bị đau tim. Mặc dù đã học bài rồi nhưng vẫn không tránh được cảm giác đó. Một năm có không biết bao nhiêu lần nên số lần ôm ngực của mình cứ tăng dần đều”.
Đa số giáo viên thường lựa chọn hình thức chọn học sinh lên kiểm tra dựa vào danh sách lớp và những bạn thiếu điểm miệng. Tuy nhiên, nhiều thầy cô ngẫu hứng lại thích gọi bất chợt có số ngày sinh trùng hợp lịch hôm đó, hay sinh nhật trong tháng đó, thậm chí gọi tất cả những bạn đeo kính cận màu trắng hay bất kì một màu nào. Những cách gọi lên kiểm tra bài đa dạng, độc đáo như thế này của các thầy cô khiến ngay cả các bạn đã học bài kĩ rồi cũng cảm thấy run chứ chưa nói những bạn chưa học kĩ hoặc chưa học.
Ngọc Anh (Lớp 11, THPT Việt Đức, Hà Nội) nói: “Mặc dù hôm nào trước khi tới lớp mình cũng học bài rất kĩ nhưng mỗi lần đứng trước lớp mình đều run như cầy sấy, nói năng loạn xạ, quên hết những gì đã học nên điểm lúc nào cũng chỉ được 6, 7.”
Điểm miệng là một trong những điểm “ngon ăn” trong kì. Do đó, vượt qua khỏi cảm giác sợ hãi, run lẩy bẩy và nói năng lắp bắp, bạn chắc chắn sẽ đạt được số điểm như mong muốn. Dưới đây là một vài gợi ý để trả bài đầu giờ không còn là nỗi sợ hãi.
Đừng “mua” thêm áp lực!
Việc đứng trước lớp nói đã là một khó khăn đối với những bạn thiếu tự tin, việc hàng chục con mắt phía dưới ngước nhìn lên bạn lại càng khó khăn hơn. Đừng quan tâm tới điều đó. Hãy luôn nhớ rằng những người ở dưới cũng không chú ý nhiều tới bạn đâu vì họ cũng đang mải xem lại bài. Cũng đừng sợ xấu hổ khi trả lời sai, đừng sợ mọi người cười. Không ai có quyền cười bạn cả. Còn giáo viên ư, đừng lo. Thầy cô sẽ không mắng bạn nếu bạn nói một câu ngớ ngẩn nào đó đâu. Do đó, đừng run sợ và tạo thêm áp lực cho mình.
Phớt lờ những phiền nhiễu phía dưới
Khi bạn bị gọi lên bảng sẽ không tránh được một vài cặp mắt phía dưới nhìn lên. Có thể là những tiếng cổ vũ, những ánh mắt động viên, thậm chí là những cái cười khểnh khinh bỉ. Đừng tưởng những điều đó không ảnh hưởng gì tới tâm lý. Nó có thể khiến bạn quên đi nhiều thứ trong đầu đó. Do vậy, nếu không làm chủ được mình thì hãy nhìn sang hướng khác và đừng quan tâm tới những điều đó.
“Há miệng chờ sung” ư? Đừng ảo tưởng!
Dù bạn học bài rồi hay chưa học bài thì chắc hẳn cũng khó tránh đôi ba lần quên mất ý tiếp theo phải nói là gì. Trong trường hợp này bạn thường bị bối rối và có xu hướng nhìn xuống dưới để cầu tiếp viện. Tuy nhiên, những âm thanh rì rầm phía dưới chỉ khiến bạn bị cuống thêm. Có thể nhờ đó mà bạn nhớ ra phần mình quên nhưng rất ít. Đa số, sau khi lắng nghe bạn bè nhắc gì bạn sẽ bị cuốn theo những câu từ cụt lủn ở phía dưới. Do vậy, phần trình bày của bạn bị đứt quãng, câu cú không rõ ràng, bố cục không có.
Bình tĩnh, tự tin – mấu chốt của thành công
Có thể bạn cảm thấy những điều này là xáo rỗng nhưng nó không hề thừa. Bạn học bài rồi? Vậy thì tại sao không thử tự tin trình bày một lần xem sao nhỉ? Thay vì rụt rè nói một cách chậm rãi. Còn nếu đang nói mà bạn quên mất ư? Đừng quá lo lắng. Bình tĩnh nhớ lại trong đầu, 90% bạn sẽ nhớ lại trong trường hợp bạn đã học rồi. Còn không, bạn đã bao giờ thử nói với thầy cô rằng: “Thưa cô, em chắc chắn đã học bài này rồi nhưng bỗng dưng em bị quên mất, cô có thể gợi ý cho em không?”chưa? Đừng sợ, đa số thầy cô khi xem bạn trình bày phần trước sẽ biết bạn có học bài hay không. Các thầy cô đều muốn học sinh mình đạt điểm cao nên sẽ không ngại giúp đâu. Đương nhiên, điểm số của bạn sẽ không cao như tự trả lời rồi.
Tuy nhiên, hoàn thành tốt bài kiểm tra miệng với điểm khá cũng là vui rồi, đúng không nào!? Hãy thư giãn khi cô gọi danh sách lên bảng, bình tĩnh và tự tin sẽ giúp bạn trả lời tốt và đạt điểm cao.